Nhật Bản sẽ hỗ trợ các trường nghề Việt Nam vay vốn ODA
phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao
Ngày 12/12/2013, tại trụ sở Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội,
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Phi đã có buổi tiếp và làm việc với ông Mutsuya MORI,
Trưởng đại diện Cơ quan phát triển nguồn nhân lực quốc tế Nhật Bản (JICA) tại
Việt Nam. Cùng tiếp còn có đại diện lãnh đạo Vụ Hợp tác quốc tế; Tổng cục Dạy
nghề cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị liên quan.
Từ năm 2000, JICA đã phối hợp với một số trường đại học
cao đẳng tại Việt Nam như: Đại học Công nghiệp Hà Nội, Cao đẳng Giao thông vận
tải (nay là Đại học Công nghệ GTVT),… trong việc hỗ trợ các dự án phát triển
nguồn nhân lực chất lượng cao và đã thu được nhiều kết quả tích cực. Tiếp nối
những thành công đó, năm 2013, Chính phủ Nhật Bản dự định triển khai chương
trình vay vốn ODA cho một số trường nghề của Việt Nam, giúp nâng cấp trường,
đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu trong nước và quốc tế.
Mục đích của buổi làm việc là
để hai bên cùng thảo luận, thống nhất danh sách các trường cao đẳng và trung
cấp nghề sẽ tiến hành khảo sát để được nhận vốn vay ODA của Nhật
Bản.
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng
Nguyễn Ngọc Phi đánh giá cao mối quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa Việt Nam –
Nhật Bản cũng như các dự án ODA của Nhật Bản tại Việt Nam. Những năm qua,Chính Phủ Nhật Bản,
thông qua tổ chức JICA đã có nhiều dự án hỗ trợ cho Việt Nam trong việc phát
triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đây là các dự án hết sức ý nghĩa giúp Việt
Nam có thêm nguồn lực trong phát triển kinh tế, xã hội.
Về hệ thống giáo dục dạy nghề
của Việt Nam, Thứ trưởng cho biết với lĩnh vực giáo dục đào tạo nói chung và
lĩnh vực dạy nghề nói riêng vẫn còn nhiều khó khăn thách thức, chính vì vậy
Việt Nam đang thực hiện đổi mới căn bản toàn diện giáo dục - đào tạo, hướng tới
chiều sâu chất lượng và phấn đấu đến năm 2020 đưa Việt Nam thành quốc gia công
nghiệp theo hướng hiện đại. Việt Nam hiện có 156 trường cao đẳng nghề, 304
trường trung cấp nghề, 844 trung tâm dạy nghề, đến năm 2015 sẽ quy hoạch 26
trường chất lượng cao, trong đó có 5 trường đạt đẳng cấp quốc tế. Do đó việc
nhận được hỗ trợ của dự án vay vốn ODA cho các trường nghề là hết sức ý nghĩa
giúp nâng cao trình độ, chất lượng đào tạo nghề, góp phần đào tạo nguồn nhân
lực chất lượng cao cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Về các trường được lựa cho vay
vốn, Thứ trưởng đề nghị phải được phân bổ hợp lý, chú trọng cho các vùng kinh
tế trọng điểm của đất nước, giúp đào tạo tại chỗ nguồn nhân lực, phục vụ phát
triển kinh tế của địa phương. Do đó, hai bên đã thảo luận và thống nhất danh
sách 11 trường được tiến hành khảo sát để lựa chọn ra 6 trường đủ điều kiện để
được vay vốn, nâng cấp và phát triển trường, đó là các trường cao đẳng nghề:
Giao thông vận tải TW2, Kỹ thuật công nghệ Hà Nội, Công nghệ cao Hà Nội, Công
nghệ Đà Nẵng, Công nghệ cơ giới thủy lợi Đồng Nai, Kỹ thuật công nghiệp Hồ Chí
Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Công nghiệp Hải Phòng, Hưng Yên; Trường Trung cấp nghề
Nghi Sơn - Thanh Hóa và trường Đại học Công nghiệp Hà Nội.
Cuối buổi làm việc, Thứ trưởng đề nghị hai bên sẽ sớm tiến hành khảo
sát các trường trong danh sách trên để lựa chọn ra 6 trường đủ tiêu chuẩn, giúp
dự án sớm được triển khai và thu được kết quả tốt đẹp.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét